Trong khi nhiều chuyên gia quan ngại về chu kỳ khủng hoảng của thị trường địa ốc có thể sẽ nổ ra vào năm 2019, trước quan ngại này chuyên gia cấp cao của CBRE Việt Nam đã có những phân tích chi tiết.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã đưa ra 3 dấu hiệu đang diễn ra trên thị trường BĐS để có cái nhìn tổng quan hơn những quan ngại đang dấy lên thời gian gần đây.
Thứ nhất, mức độ thanh khoản thị trường: Từ năm 2014 đến năm 2018, thị trường BĐS phát triển khá tốt. Xu hướng nguồn cung chào bán tăng và thanh khoản cũng tăng lên. Cụ thể, mỗi năm thị trường đón nhận 40.000 căn hộ chào bán mới, trong đó có khoảng 30.000 – 35.000 căn được tiêu thụ.
Nếu tính cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM thì có gần 80.000 căn hộ được tiêu thụ trong năm. Những dẫn chứng này cho thấy, thị trường khá cân bằng trong khoảng 1 năm trở lại đây. Tỉ lệ hấp thụ trên thị trường căn hộ ở mức 65-85% chủ yếu tập trung ở phân khúc bình dân và trung cấp.
Đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, hiện tại thanh khoản trên thị trường ở mức độ lành mạnh.
Thứ hai, giá của thị trường: Theo bà Dung, mức độ tăng giá BĐS, cụ thể là phân khúc đất nền ghi nhận từ 40-60%, thậm chí lên mức 70% trong vòng 1 năm hoàn toàn là những trường hợp cá biệt hoặc xảy ra cục bộ ở một vài khu vực, không phản ánh toàn bộ thị trường.
Nếu xét toàn bộ thị trường BĐS, giá tăng trung bình ở mức ổn định từ 3-5% ở hầu hết các phân khúc; những nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt giá tăng từ 7-14%.
Theo bà Dung, mặc dù sự tăng giá các khu vực khác nhau nhưng nhìn chung tăng trưởng về giá khá ổn định trong vòng 1 năm qua trên thị trường. Đặc biệt, dấu hiệu sốt đất nền cục bộ cũng đã được chấn an kể từ thời điểm tháng 5/2018.
Việc giá BĐS ở một vài phân khúc tăng lên quá cao trong thời gian ngắn theo bà Dung đó là do tâm lý của người mua chứ không phải do chu kì vận hành của thị trường, càng không phản ánh tình hình chung của BĐS.
Thứ ba, giao dịch trên thị trường thứ cấp: Bà Dung chỉ ra, mức độ giao dịch trên thị trường thứ cấp vẫn diễn biến ổn định, giá thứ cấp tăng trung bình 3-7%. Tỉ lệ hấp thụ căn hộ hoàn thiện khá cao, đặc biệt ở nhu cầu ở thực.
Theo bà Dung, đây không phải là giai đoạn quá lo lắng. Tâm lý của người mua là rất quan trọng ở thời điểm thị trường biến động. Do đó, làm sao để người mua có tâm lý ổn định, nhận biết rõ về tình hình thị trường, tránh chạy theo đám đông khiến giá BĐS lên, xuống bất thường.
Ngoài ra, các yếu tố về kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách nhà nước can thiệp kịp thời, nhu cầu nhà ở, văn phòng, trung tâm mua sắm là có thực…để thấy rằng, thị trường khó xuất hiện tình trạng bong bóng ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc cấp cao CBRE, thị trường ở thời điểm hiện nay cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với NĐT, chẳng hạn lợi nhuận cho thuê đang trên đà giảm sút ở một vài khu vực; giá đất đã tăng ở mức quá cao đã ảnh hưởng đến nhận thức của NĐT khi họ muốn bước chân vào thị trường. "Vấn đề lớn nhất hiện nay là các chủ đầu tư cần cơ cấu lại sản phẩm BĐS sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế và sự phát triển chung của thị trường", bà Dung nhấn mạnh.