
Bạn đọc gửi câu hỏi về việc mua chung đất nhưng không được đứng tên sổ đỏ:
Mẹ tôi có chung tiền mua một mảnh đất với người họ hàng, có thông báo với mọi người rằng sau này sẽ để phần đất sở hữu đó lại cho tôi. Ba tháng trước, mẹ tôi mất đột ngột nên không để lại di chúc. Tôi muốn tách sổ đỏ để lấy quyền sở hữu phần đất của mẹ.
Tuy nhiên, người họ hàng chung tiền mua đất trên lại không đồng ý, nói rằng mảnh đất này là của riêng họ. Xin hỏi, bây giờ tôi phải làm sao khi sổ đỏ và mọi giấy tờ đều chỉ đứng tên của người họ hàng này?
- Nguyễn Lan Hương, Hà Nội.
Luật sư Phạm Quốc Bảo, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội trả lời:
Theo điểm a khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế hợp pháp có nội dung đề cập đến hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Bên cạnh đó, tại điểm b mục 2.4 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình: Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo Ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người đó để đòi lại di sản.
Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện người họ hàng trên để đòi lại phần đất mà mẹ bạn đã chung tiền mua trước đây.
Ngoài ra, theo khoản 2 điều 98 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người một Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Vì mẹ và người họ hàng của gia đình bạn cùng chung tiền mua đất, nên về nguyên tắc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được cấp sẽ ghi đầy đủ thông tin của cả hai người. Tuy nhiên, nếu người họ hàng của bạn một mình đứng tên trên sổ đỏ, đồng thời bạn cũng không có giấy tờ khác chứng minh được việc hai người cùng chung tiền mua đất, thì việc khởi kiện đòi tài sản sẽ gặp khó khăn.
Để chứng minh phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, bạn nên tìm đến sự xác nhận từ người đã chuyển nhượng miếng đất kia, hoặc những người biết đến sự việc mẹ bạn và người họ hàng cùng góp tiền mua mảnh đất này. Hoặc, bạn có thể thu nhập những tin nhắn, thư điện tử (email)... có nội dung đề cập đến sự việc chung tiền mua đất này để làm chứng cứ khởi kiện ra Tòa án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
MuaBanNhaDat theo TBKD
- Bồi thường khi thu hồi đất: Những quy định cần nắm (09/09/2019)
- Người mẹ trẻ kể lại chuyện mua nhà trung tâm dễ như trở bàn tay (09/09/2019)
- Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng liệu có rủi ro? (08/09/2019)
- 5 bí quyết tối ưu hóa hiệu quả xem nhà (08/09/2019)
- 4 lưu ý quan trọng khi tìm mua biệt thự (08/09/2019)