Lần theo thông tin trên tờ quảng cáo bán đất nền của một số công ty môi giới phát dọc các con đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Duy Trinh, quận 2 (TPHCM), chúng tôi được một nhân viên kinh doanh cho biết, sàn giao dịch của công ty này chuyên thầu đất nền do một số ngân hàng lớn thanh lý, giá chỉ bằng một nửa giá thị trường, khoảng từ 400-600 triệu đồng một nền, nằm ở quận 9, quận 2… Nếu khách hàng có nhu cầu chỉ cần đặt cọc 100 triệu đồng, 1 tháng sau sẽ có ngay sổ.
Tuy nhiên, khi đề nghị đi coi đất trực tiếp thì mới vỡ lẽ, đó chỉ là chiêu “dụ” khách hàng. Chúng tôi được giới thiệu lô đất nền đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 chỉ 18 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường ở đây đang giao dịch tới 100 triệu đồng/m2. Khi tới xem, hóa ra đất này nằm ở đường Nguyễn Duy Trinh, nhưng tận cuối đường, giáp tỉnh Đồng Nai. Đây là đất nền mà giới đầu tư phân lô bán ra thời điểm sốt đất nền đầu năm 2017, giờ không ai mua.
Theo phản ánh của các khách hàng, đây là chiêu thức đang được khá nhiều công ty môi giới quy mô nhỏ hoạt động ở các khu vực vùng ven áp dụng để dụ, nếu không tỉnh táo, khách hàng rất dễ bị lừa. Đa phần các công ty môi giới này đều quảng bá là có mối quan hệ lấy đất nền thanh lý từ các ngân hàng nên giá rẻ.
Liên hệ với một số ngân hàng có tên trên tờ rơi của các nhân viên môi giới này, chúng tôi đều được trả lời rằng ngân hàng không có thanh lý đất nền nào bởi vì đất nền không có sổ, không có giấy tờ pháp lý thì làm sao ngân hàng cầm cố được.
Mức độ rủi ro của việc nhẹ dạ xuống tiền mua các lô đất này rất cao. Có không ít trường hợp, khách hàng lâm vào cảnh tiền mất tật mang do các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Theo giới kinh doanh bất động sản, những quảng cáo bán đất sai sự thật trên chủ yếu là từ nhân viên các công ty môi giới nhỏ, ít khách. Dễ nhận ra đối tượng này ở việc họ không hẹn khách hàng giao dịch tại trụ sở công ty, mà chỉ hẹn giao dịch tại quán càphê. Khi hỏi về dự án, họ luôn quảng cáo lòng vòng và không nói rõ về tính pháp lý của dự án, họ chỉ liên tục hối thúc khách hàng xuống tiền đặt cọc giữ chỗ.
Đây là mặt trái của thị trường, làm méo mó nghề môi giới bất động sản. Để có thể lừa khách hàng mua đất nền, những người này có thể làm đủ mọi thứ, nghĩ ra đủ chiêu, miễn là bán được hàng. Nếu khách hàng kiện, họ sẵn sàng đóng cửa công ty, lập ra một công ty môi giới mới.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới ở đâu khi mà dường như hoạt động này đang ngày bị buông lỏng quản lý ?
Nguồn: Cfland
- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI THEO QUY ĐỊNH MỚI (09/07/2018)
- KINH NGHIỆM CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN (09/07/2018)
- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT P1 - THUẾ ĐỐI VỚI CHỦ ĐẦU TƯ (09/07/2018)
- 5 ĐIỂM CHUNG NỔI BẬT CỦA CƠN SỐT ĐẤT NỀN ĐẦU NĂM 2018 (09/07/2018)
- TÌM SƠ HỞ, PHÁ HỢP ĐỒNG VAY BIẾN TƯỚNG (07/07/2018)