Cả trăm tín đồ thời trang ở Sài Gòn xếp hàng để sở hữu sản phẩm mới thuộc phiên bản "có giới hạn" của một hãng thời trang lớn và hình ảnh mua bán tấp nập đất nền vùng ven TP.HCM tuần rồi, liệu có nét gì tương đồng?
Bất động sản Cần Giờ. Ảnh minh họa |
Thị trường bất động sản vốn dĩ đã trải qua bao thực tế "đau thương" từ những cơn sốt ảo, cảnh "ăn chực nằm chờ" chỉ để có được suất mua, hay tranh nhau mua đất bằng mọi giá nhằm đón đầu quy hoạch.
Vậy, ai đã tạo nên những cơn sốt cục bộ cho thị trường nhà ở, nhất là phân khúc đất nền hiện nay?
Tại một hội thảo về thị trường bất động sản Đồng Nai diễn ra năm ngoái, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh này đánh giá, ngay khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, lập tức một số khu vực ở Long Thành xuất hiện tình trạng sốt đất, nhưng chủ yếu là do giới đầu cơ, cò đất thổi giá.
Để ngăn chặn thị trường diễn biến ngày thêm phức tạp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khi đó đã quyết định dừng toàn bộ quy hoạch 21.000ha xung quanh sân bay để điều chỉnh quy hoạch, đồng thời công bố rộng rãi, rõ ràng những thông tin quy hoạch liên quan đến Long Thành cho người dân rõ.
Một số chiêu trò tuy cũ nhưng hiệu nghiệm vẫn còn, nếu không thì sẽ chẳng có những kết cục kiểu như bỏ tiền đầu tư tiền ảo iFan thu lãi 48%/tháng để rồi "nuốt trái đắng", hoặc kiểu dựng hiện trường giả cảnh giao dịch nhà đất nhộn nhịp để làm mồi nhử khách hàng mà Kim Phát hay Việt Hưng Phát từng áp dụng.
Không ít chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản uy tín đã phải ngao ngán vì tình trạng bát nháo trong phân khúc đất nền. Kiểu làm ăn này, theo chia sẻ của một công ty phân phối nhà có tiếng tại TP.HCM là phá thị trường, gây mất niềm tin nơi khách hàng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp kinh doanh bài bản.
Việc xảy ra cháy ở 2 chung cư ở TP.HCM gần đây cũng được xem là cái cớ để giới cò đất "té nước theo mưa". Đâu đâu cũng truyền nhau thông tin người dân ngán chung cư, chuyển hẳn sang đất nền, nhà thấp tầng, giá đất cũng vì thế tăng gấp đôi, gấp ba, từ quận 9, Cần Giờ cho đến các vùng lân cận TP.HCM.
Nên chăng, trong những thời điểm như thế này, các cơ quan quản lý nhà nước phải có thông tin chính thống liên quan đến quy hoạch, tình hình thị trường nhà, đất để hạ những cơn sốt cục bộ do giới đầu cơ "bày binh bố trận" ở một số khu vực, đồng thời tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn: Doanhnhansaigon.vn
- ĐẤT NỀN VÙNG VEN LIỆU CÓ MÀU MỠ NHƯ KỲ VỌNG NHÀ ĐẦU TƯ? (23/06/2021)
- LIỆU CÁC CƠN SỐT ĐẤT CỤC BỘ CÓ XẢY RA NHƯ ĐẦU 2021? (22/06/2021)
- TIỀN NHIỀU ĐỔ VÀO BẤT ĐỘNG SẢN, CƠ HỘI HAY THÁCH THỨC? (22/06/2021)
- ĐỒNG NAI TRIỂN KHAI HAI TUYẾN ĐƯỜNG DÀI DÂNG 10KM (13/10/2020)
- THỊ TRƯỜNG BĐS CỦA BÌNH DƯƠNG 10 NĂM QUA VÀ ĐỒNG NAI TỚI ĐÂY (10/10/2020)
- XU HƯỚNG M&A BẤT ĐỘNG SẢN DỰ BÁO TIẾP TỤC TĂNG (23/04/2018)
- BĐS: KHÔNG DỮ LIỆU THÌ TÍNH CHUYỆN PHÁT TRIỂN THẾ NÀO? (23/04/2018)
- ĐẤT SỐT,CÒ MẠO DANH THU TIỀN NGƯỜI MUA NHÀ (23/04/2018)
- CÓ NÊN RÚT TIỀN KHỎI CHỨNG KHOÁN ĐỂ LAO VÀO CƠN SỐT ĐẤT NỀN ? (23/04/2018)
- ĐẤT NỀN CÁC TỈNH LẬN CẬN HÀ NỘI VÀ TP HCM SÔI ĐỘNG (23/04/2018)