Hỗ trợ đăng tin chính chủ tại đồng nai
Hướng Dẫn Đăng Tin Chính Chủ Hiệu Quả Nhất l Liên Hệ Hotline - 0907.888.247 ​
DOANH NGHIỆP LOAY HOAY TÌM MẶT BẰNG SẢN XUẤT
Cập nhật: 12:07 07/07/2018

Hiện nay, phần lớn  doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh đang hoạt động sản xuất trong các khu dân cư gây nhiều bất tiện và nguy cơ tiềm ẩn.

Thêu gia công nhãn mác tại Công ty TNHH một thành viên may mặc Nhật Long Anh (phường An Bình, TP.Biên Hòa).

Thêu gia công nhãn mác tại Công ty TNHH một thành viên may mặc Nhật Long Anh (phường An Bình, TP.Biên Hòa).

Doanh nghiệp nào cũng muốn vào được các khu sản xuất riêng biệt để ổn định lâu dài. Song, với các doanh nghiệp nhỏ để vào các khu công nghiệp (KCN) là điều gần như không thể, mà các cụm công nghiệp cũng không phải dễ vào.

* “Đỏ mắt” tìm nơi sản xuất

Phải lùng sục nhiều nơi, cuối cùng ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế Thiên Nam (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng tìm thuê được một căn hộ rộng gần 200m2 và tương đối hợp với túi tiền của mình để làm nơi sản xuất. Hoạt động trong nghề thiết kế bảng hiệu và trang trí nội thất buộc ông Nam phải đầu tư hệ thống máy CNC (máy điều khiển tự động bằng kỹ thuật số) cần phải có mặt bằng rộng để đặt máy. Ông Nam cho hay doanh nghiệp ông thuộc dạng siêu nhỏ (dưới 10 công nhân) nên việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất là rất khó khăn, bởi không thể thuê các nhà xưởng quá rộng, lên đến cả ngàn mét vuông trong khi không sử dụng hết và chi phí cao. Theo ông Nam, việc thuê nhà dân làm nơi sản xuất không phải là giải pháp hay, song phải chấp nhận vì không còn phương án nào tối ưu hơn.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, nhận xét doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn rất nhiều về mặt bằng sản xuất, vốn, thủ tục hành chính. Nhiều doanh nghiệp mất vài năm mới có mặt bằng để làm thủ tục đầu tư, thời gian kéo dài nhiều lúc dẫn đến mất hết cơ hội làm ăn.

Chia sẻ về vấn đề này ông Trần Minh Dũng, Giám đốc Công TNHH một thành viên may mặc Nhật Long Anh (phường An Bình, TP.Biên Hòa), cho biết may mặc cũng là ngành chiếm khá nhiều diện tích khi sản xuất, vì vậy các doanh nghiệp buộc phải thuê xưởng để tổ chức sản xuất. “Nếu thuê mặt bằng sản xuất xa quá thì không tìm được lao động, còn ở thành phố lại khó tìm mặt bằng. Doanh nghiệp nào thuê được mặt bằng ổn định để sản xuất là rất may mắn. Hiện tại, do thiếu mặt bằng nên một số công đoạn tôi phải đưa về các hộ gia đình gia công để giảm áp lực và tiết kiệm các khoản chi phí khác” - ông Dũng nói.

Việc “đánh vật” để tìm mặt bằng phù hợp của các doanh nghiệp nhỏ hiện đang là khó khăn thực sự tác động đến tình hình sản xuất. Chủ một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực may thêu ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay doanh nghiệp ông đang thuê 4 ngàn m2 nhà xưởng “lụi” (xây dựng trong khu dân cư) có giá 35 triệu đồng/tháng, trong khi đó cùng diện tích tại KCN Biên Hòa 2 các doanh nghiệp cho thuê hơn 60 ngàn đồng/m2/tháng. Tính ra nếu vào KCN, mỗi tháng công ty ông phải trả gần 250 triệu đồng/tháng, đây là khoản chi phí mà doanh nghiệp nhỏ không thể chịu nổi.

* “Đụng” đến là sai

Chủ một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thiết bị điện gia dụng tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa chia sẻ, trước đây doanh nghiệp của ông tổ chức sản xuất tại phường Bình Đa, TP.Biên Hòa. Khi doanh nghiệp phát triển, đơn hàng ngày một nhiều. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, năm 2012 ông đến xã Phước Tân mua đất xây dựng xưởng sản xuất và di dời nhà máy về chỗ mới. Thế nhưng, khu đất ông xây dựng nhà xưởng sản xuất mới đây được quy hoạch trở thành khu dân cư trong tương lai nên nhà xưởng của ông lại rơi vào tình trạng... trái phép. “Lúc đó vì bức bí nơi sản xuất nên tôi đi xa một chút mua đất cho rẻ, thời điểm đó đất chỉ toàn trồng tràm, chưa có quy hoạch và cũng không biết sau này quy hoạch làm gì, giờ lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan” - chủ doanh nghiệp này nói.

Ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho biết phần lớn doanh nghiệp nhỏ có hoạt động sản xuất hiện nay khó đáp ứng 100% các quy định về mặt bằng và tổ chức sản xuất. Nếu chiếu theo toàn bộ quy định mà các cơ quan chức năng đến kiểm tra nhà xưởng thì sẽ có tình trạng... “đụng” đến là sai. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đều ít vốn nên thường tận dụng mặt bằng của gia đình để sản xuất, nếu không cũng đi thuê nhà xưởng giá rẻ, không nằm trong KCN hay cụm công nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó nên những chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu có, doanh nghiệp cũng không được hưởng vì sản xuất nằm ngoài khu quy hoạch. Vấn đề này ngay chính công ty ông (Công ty TNHH một thành viên Thế Linh, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng từng gặp phải. 

Theo ông Linh, để giải bài toán mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ sẽ mất khá nhiều thời gian. Ông Linh cũng cho biết thời gian qua UBND tỉnh đã chi đạo các sở, ngành hỗ trợ Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai tìm đất để xây dựng cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thế nhưng đến nay vẫn chưa tìm được quỹ đất.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng