Đến nay, tình hình giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành vẫn chưa có động tĩnh gì. Vì vậy, việc triển khai đền bù đất và di dời dân trong vùng dự án khó có thể thực hiện đúng tiến độ, kéo theo nguy cơ “trễ hẹn” khởi công dự án.
ông tác giải phóng mặt của một “siêu dự án” như sân bay Long Thành sẽ không đơn giản, mặc dù tỉnh đã chủ động khá nhiều trong việc này
* Im lìm giải phóng mặt bằng
Quý I-2016 đã trôi qua, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành vẫn chưa hề có động thái gì. Theo tính toán của tỉnh, để giải phóng xong mặt bằng của dự án sân bay Long Thành phải mất ít nhất 3 năm.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiểm tra khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho dự án sân bay Long Thành vào cuối năm 2015.
Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho hay người dân trong vùng dự án cũng đang thấp thỏm chờ đợi di dời, bản thân lãnh đạo huyện cũng “nóng ruột” với dự án. Cũng theo lãnh đạo huyện Long Thành, việc giải phóng mặt bằng được triển khai khá trễ so với kế hoạch.
Sau chuyến thực địa vào dịp cuối năm 2015, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã bày tỏ lo ngại, nếu triển khai dự án theo các quy định hiện hành thì giai đoạn 1 của sân bay Long Thành sẽ bị chậm khoảng 5 năm so với nghị quyết của Quốc hội. Khi đó, không phải là năm 2018 khởi công mà phải đến năm 2023 mới khởi công được, cũng là thời gian dự kiến đưa dự án vào khai thác. Cũng theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, với “siêu dự án” sân bay Long Thành, để đảm bảo khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 đúng tiến độ theo nghị quyết Quốc hội đề ra, cần ban hành cơ chế đặc thù về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm sớm triển khai dự án.
* Hàng ngàn tỷ đồng cho tái định cư
Theo tính toán của tỉnh, để thực hiện giải phóng trước 2.750 hécta mặt bằng phục vụ giai đoạn 1 của dự án, buộc phải hoàn thành trước khu tái định cư cho dân.
Nếu sớm có vốn và cơ chế đặc thù, tỉnh sẽ cho tiến hành ngay một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn quy mô 282 hécta cho các hộ bị giải tỏa trắng. Nhu cầu về vốn để triển khai khu tái định cư này là khá lớn. Cụ thể, Đồng Nai cần trên 11.200 tỷ đồng trong giai đoạn này, trong đó 9.250 tỷ đồng cho việc xây dựng khu tái định cư và khoảng 1.500 tỷ đồng cho công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường và vận động dân bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, cần khoảng 240 tỷ phục vụ việc thẩm định đề án, khung chính sách kê khai tài sản, đất đai.
Sau khi hoàn thành và bàn giao giai đoạn 1 để dự án khởi công, địa phương sẽ hoàn thành nốt việc giải phóng 2.250 hécta còn lại. Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên - môi trường), với dự án lớn này, việc xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn cũng không phải một sớm một chiều thực hiện ngay được.
Vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải đã đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đổi mới mạnh mẽ cách làm, nếu cần thiết thì phải xin cơ chế đặc thù chỉ định thầu đơn vị tư vấn, bởi lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng với tiến độ như hiện nay thì có khả năng dự án bị chậm so với kế hoạch. Lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải cũng cho rằng từ khi có quyết định triển khai dự án đến nay việc chuẩn bị đã chậm so với tiến độ đề ra.
- Đô thị mới Nhơn Trạch đồng nai sẽ có 8 khu vực (27/03/2016)
- Đất Đồng Nai: Thủ tướng đồng ý chuyển đổi 93 ha đất trồng lúa (24/03/2016)
- Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng (24/03/2016)
- Sắp làm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (24/03/2016)
- Quy hoạch cù lao Hiệp Hòa: Giữ lại "lá phổi xanh" cho thành phố (23/03/2016)