Hỗ trợ đăng tin chính chủ tại đồng nai
Hướng Dẫn Đăng Tin Chính Chủ Hiệu Quả Nhất l Liên Hệ Hotline - 0907.888.247 ​
SẼ MỞ RỘNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Cập nhật: 03:45 08/09/2019

Đến nay, Đồng Nai đã có 31 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với bình quân tỷ lệ lấp đầy khoảng 78,5%. Đất dành cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới còn rất ít, nhưng nhu cầu đầu tư và mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại đang tăng cao. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát, đề xuất để mở rộng, tăng diện tích cho các KCN trong thời gian tới.

Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) hiện đã cho thuê hết đất. Ảnh: Khắc Giới

 

Theo UBND tỉnh, khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, kết nối với nhiều đường cao tốc đang được xây dựng, Đồng Nai sẽ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên lĩnh vực công nghiệp. Do đó, quy hoạch phát triển mới, mở rộng các KCN ngay từ lúc này là cần thiết.

 

* Nhiều KCN đã “kín đất”

Đồng Nai hiện có 17 KCN đã được lấp đầy với tỷ lệ từ 92-100% và hiện tại đều muốn được mở rộng diện tích. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong 17 KCN này khi tăng công suất đều có nhu cầu thuê thêm đất để xây dựng nhà xưởng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn sau một thời gian hoạt động hiệu quả cũng muốn “kéo” những doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng về gần để thuận tiện cho cả hai bên.

Trong quy hoạch các KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì tỉnh có 8 KCN được chấp thuận điều chỉnh mở rộng, tăng thêm diện tích gồm: Amata (TP.Biên Hòa), An Phước, công nghệ cao Long Thành, Long Đức (huyện Long Thành), Tân Phú (huyện Tân Phú), Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom).

Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đã được lấp đầy và đang mở rộng

Ông Masahico Makata, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (huyện Long Thành) cho hay: “KCN Long Đức có diện tích cho thuê hơn 200 hécta, hiện đã cho thuê gần hết. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào nên chúng tôi đang đề xuất tỉnh cho mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thứ cấp”.

Các KCN Hố Nai, Sông Mây, Amata cũng đang tiến hành bồi thường, giải tỏa mặt bằng để mở rộng diện tích. Tương tự, tại 3 huyện miền núi, vùng xa như: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, đến nay diện tích trong các KCN cho thuê cũng lên đến
90-100% và đang làm hồ sơ xin mở rộng diện tích.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần KCN Định Quán (huyện Định Quán) cho biết: “KCN Định Quán đã lấp đầy nên công ty đang làm hồ sơ xin mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 100 hécta. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đến hỏi thuê đất làm nhà máy sản xuất nên công ty sẽ hoàn thiện nhanh thủ tục để xây dựng hạ tầng, thu hút những dự án phù hợp với yêu cầu của tỉnh”.

* Thêm các KCN mới

Ngoài những KCN đề xuất mở rộng, thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thêm 4 KCN mới đi vào hoạt động là KCN công nghệ cao Long Thành, KCN Phước Bình (huyện Long Thành), KCN Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).

Trong đó, KCN công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, dự tính đầu năm 2020 sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp; KCN Phước Bình đã tìm được chủ đầu tư và 2 KCN là Gia Kiệm, Cẩm Mỹ đang lựa chọn nhà đầu tư. Các KCN trên có tổng diện tích 1.320 hécta, gồm: KCN công nghệ cao Long Thành gần 500 hécta, Cẩm Mỹ 300 hécta, Gia Kiệm 330 hécta và Phước Bình 190 hécta. Khi 4 KCN này đi vào hoạt động, dự tính sẽ có thêm gần 900 hécta đất cho thuê.

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Do có đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nên các doanh nghiệp về Thống Nhất đầu tư vào công nghiệp tương đối nhiều. Nếu KCN Gia Kiệm sớm có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp thì sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.

Đồ họa thể hiện cơ cấu các khu công nghiệp, sự phân bố các khu công nghiệp đang hoạt động  trên địa bàn Đồng Nai hiện nay 	(Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Đồ họa thể hiện cơ cấu các khu công nghiệp, sự phân bố các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai hiện nay (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Một số tổng lãnh sự, tập đoàn, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp FDI có chung nhận xét, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bởi với tốc độ phát triển hạ tầng như hiện nay, tỉnh sẽ là trung tâm giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai sẽ thuận lợi và có chi phí thấp khi đưa đi xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác trong nước.

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh nhận xét: “Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều đường cao tốc được xây dựng sẽ giúp Đồng Nai thu hút đầu tư FDI tốt hơn. Có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, hàng không… nên đã nhờ lãnh sự quán hỗ trợ thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai nên tới đây rất có thể sẽ có làn sóng doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh”.

Lãnh đạo Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) - tập đoàn đang dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai với trên 1,5 tỷ USD - cho hay, nếu KCN Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) mở rộng diện tích, công ty sẽ tiếp tục thuê thêm đất xây dựng nhà máy, tăng vốn đầu tư vào tỉnh.

* Đề xuất thêm KCN vào quy hoạch

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, ngoài 35 KCN đã được quy hoạch, tỉnh đang xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho quy hoạch thêm một số KCN để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại đất đai trên địa bàn và đề xuất địa điểm quy hoạch các KCN.

Thực tế trước đây, các KCN vùng xa của tỉnh thu hút đầu tư rất chậm vì các doanh nghiệp “ngại” đường xa, chi phí cao, khó tuyển lao động. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, khi đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành đi vào hoạt động, doanh nghiệp đến đầu tư tại các KCN rất đông và nay các KCN vùng xa gần như đã lấp đầy.

Trong tương lai gần, khi đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành hoàn thành, giao thông thuận lợi hơn, các doanh nghiệp sẽ về những huyện vùng xa của tỉnh đầu tư nhiều hơn. “Quy hoạch thêm các KCN cho giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết. Vì hiện nay và trong những năm tới, Đồng Nai vẫn là nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Nhưng tỉnh sẽ cân nhắc để quy hoạch phát triển công nghiệp bền vững” - ông Hà nhấn mạnh.

Dự tính, quy hoạch thêm các KCN sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh trong giai đoạn tới. Có nghiên cứu, đánh giá chung về tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh và dự báo cho giai đoạn sau là rất cần thiết để trên cơ sở này, xây dựng quy hoạch KCN phù hợp với quá trình phát triển.

Sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch)

Sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch)

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết: “Huyện đang cho rà soát lại đất đai, phát triển công nghiệp trên địa bàn để đề xuất mở rộng KCN Tân Phú lên 250 hécta, thêm Cụm công nghiệp Phú Sơn và nếu nhà đầu tư có nhu cầu sẽ quy hoạch thêm KCN. Vì tới đây có đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa về cảng Vũng Tàu hoặc cảng TP.Hồ Chí Minh rất nhanh”.

Quy hoạch KCN cần có tầm nhìn xa và đánh giá được khả năng phát triển trong tương lai. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh triển khai dự án nhanh, hiệu quả kinh tế đem lại sớm sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hương Giang

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng