Các Doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm cách để hạn chế sự lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng.Sẽ có những nguồn vốn khác để thay thế!
Trong 4 năm gần đây, thị trường bất động sản có những khởi sắc tích cực. Các địa phương đua nhau đưa ra hàng loạt các ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách tài chính được hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản nối gót ra đời.
Nhiều ngân hàng thương mại xem việc cho vay bất động sản là “miếng bánh” ngon và sinh lời mạnh. Nói như ông Nguyễn Hiền Ninh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Nam Miền Trung, đây là thời điểm các ngân hàng chạy đua tìm khách với nhiều gói cho vay bất động sản thời hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí có ngân hàng cho vay thời hạn 25 năm với lãi suất hấp dẫn, thời hạn trả lãi suất và trả tiền gốc cũng linh hoạt không kém. Chính những chính sách này đã góp phần cho tín dụng cho vay vào thị trường địa ốc khá cao.
Báo cáo của NHNN cho thấy, năm 2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5%.
Mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản đang được kiểm soát tốt, nhưng giới chuyên gia cho rằng, việc dư nợ tín dụng tiêu dùng ngày càng cao là bởi thời gian qua, phần lớn dòng vốn này chảy vào nhà, đất. Đặc biệt, tín dụng cho việc mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5%, chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng, động thái siết tín dụng sẽ không tác động nhiều đến nguồn vốn đổ vào bất động sản. Ảnh: Tâm An
Các chuyên gia lo ngại rằng, bản chất cho vay tiêu dùng là vay tín chấp. Mặc dù lĩnh vực tiêu dùng đang có sức hút lớn trên thị trường, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì khó tránh khỏi nguy cơ “bong bóng” bất động sản, nhất là khi lãi suất cho vay đang có xu hướng tái tăng.
Để đảm bảo tín dụng cho vay trong bất động sản và hạn chế các rủi ro, mới đây, NHNN có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước theo sát và đánh giá tiến độ của các dự án, năng lực tài chính, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp hạn chế rủi ro.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng đây là một động thái kiểm soát rủi ro trong thị trường bất động sản 3 năm nay.
Theo ông Lực, hiện nay có nhiều nguồn vốn khác đổ vào bất động sản như FDI đang gia tăng tốt, vốn đầu tư tư nhân, số lượng doanh nghiệp thành lập liên quan đến lĩnh vực bất động sản tăng khá nhiều trong 2017. Cùng với đó là các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư cũng đổ thêm vào bất động sản, hay có cả vốn thương mại nước ngoài, chẳng hạn như Vingroup phát hành trái phiếu ngoại tệ.
“Do đó, cho dù nguồn vốn ngân hàng hiện nay vào bất động sản không tăng mạnh như trước đây nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng, chỉ có điều tăng thấp hơn so với mức bình quân của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, được bù lại nhiều dòng vốn khác đổ vào, nên không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn đầu tư vào bất động sản”, ông Lực nhận định.
Ông Ninh của Đất Xanh Nam Miền Trung cũng cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản là một động thái cần thiết để ổn định thị trường, tránh bong bóng bất động sản. “Điều này vừa cần thiết để hệ thống tài chính ngân hàng có thể ổn định, phát triển bền vững, tránh tăng nợ xấu, vừa là yếu tố thanh lọc thị trường bất động sản, đào thải những dự án kém khả thi, tạo điều kiện cho những dự án tốt phát triển”, ông Ninh nhận định.
Cũng theo ông Ninh, trên thực tế, việc siết tín dụng vào bất động sản không ảnh hưởng quá nhiều đến các dự án đang triển khai nếu các dự án này có phương án tài chính khả thi và tiến độ triển khai như cam kết.
Doanh nghiệp bất động sản để làm chủ dự án hoặc đầu tư dự án đòi hỏi có nguồn gốc lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực triển khai... Do đó, việc hạn chế tín dụng về bất động sản về bản chất sẽ không có tác động nhiều đến các doanh nghiệp có phương án tài chính tốt với định hướng phát triển bền vững. Điều đó cũng làm cho việc triển khai xây dựng và phát triển dự án được ổn định hơn.
Đối với nhà đầu tư thứ cấp, họ sẽ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm và dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín. Điều đó sẽ thuận tiện hơn khi sử dụng tín dụng ngân hàng và việc đầu tư cũng ít rủi ro hơn.
“Kinh tế thị trường là thuận mua, vừa bán giữa hai bên, người mua để giảm thiểu rủi ro cần tìm hiểu rõ về dự án khi mua, tính pháp lý, hạ tầng, vị trí, quy hoạch chủ đầu tư. Để hạn chế rủi ro cho người mua, các địa phương cần có sự kiểm soát, giám sát việc triển khai các dự án đảm bảo pháp lý và kinh doanh theo luật bất động sản”, ông Ninh cho biết.
CFLAND
- TRIỂN LÃM KẾT NỐI ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN ĐÔNG NAM BỘ (19/11/2020)
- KẾT NẠP HỘI VIÊN HỘI MG BDS VIỆT NAM TẠI ĐỒNG NAI (04/11/2020)
- 14 TẬP ĐOÀN ĐA QUỐC GIA ĐỔ BỘ ĐỒNG NAI (30/09/2020)
- Đồng Nai: Đề xuất đầu tư 18.217 tỷ đồng xây tuyến cao tốc (30/09/2020)
- hướng đầu tư bất động sản vùng ven quyết định nguồn cung và lợi (14/09/2020)