Ngày 25-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Đồng Nai sẽ có thêm 3 KCN là Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (H.Long Thành), Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ).
Khu vực được quy hoạch làm Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Ảnh:H. Giang
Các KCN trên được đưa vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020. Như vậy, trên địa bàn tỉnh hiện được quy hoạch 38 KCN và đã có 32 KCN được thành lập.
* Thêm gần 6,5 ngàn ha đất công nghiệp
Trước đó, ngày 18-12-2020, Bộ KH-ĐT có công văn số 8389/BKHĐT-QLKKT trình Chính phủ về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2020 và đã được Thủ tướng chấp thuận. Vì vậy, tỉnh có thêm 3 KCN với diện tích gần 6,5 ngàn ha tại hai huyện. Trong đó, KCN Xuân Quế - Sông Nhạn nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Quế và Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) có diện tích lớn nhất với khoảng 3.595ha. Tiếp đến là KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp thuộc địa bàn 2 xã Bàu Cạn và Tân Hiệp (H.Long Thành) có diện tích 2.627ha. KCN Long Đức 3 rộng 253ha thuộc xã Long Đức (H.Long Thành).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Đồng Nai tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh cho phù hợp. Tỉnh phân kỳ thực hiện 3 KCN cho đồng bộ về kết nối hạ tầng, các dự án thu hút được phải có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Hiện trạng các khu đất được quy hoạch 3 KCN trên chủ yếu là trồng cao su, ít người dân sinh sống nên rất thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để triển khai dự án.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết: “Với KCN Xuân Quế - Sông Nhạn, việc hoàn thành thủ tục đầu tư và thành lập sẽ được triển khai rất nhanh. Vì đất quy hoạch làm công nghiệp hầu hết là trồng cao su, không có hộ dân sinh sống nên phía tỉnh và chủ đầu tư sẽ đơn giản được khâu tái định cư, việc bồi thường nhanh hơn”. Cũng theo ông Thìn, H.Cẩm Mỹ mong tỉnh sớm làm xong các thủ tục để thành lập KCN và chọn được doanh nghiệp (DN) có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm triển khai nhanh công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật để sớm đưa KCN vào hoạt động. Thời gian qua, có nhiều DN đã đến huyện tìm cơ hội đầu tư vào sản xuất công nghiệp.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, đất công nghiệp của Đồng Nai còn rất ít, nhưng nhu cầu đầu tư của DN nước ngoài vào tỉnh tương đối nhiều. Do đó, tỉnh đang gấp rút mở rộng và đầu tư mới các KCN trên địa bàn để có đất công nghiệp cho các công ty thuê làm nhà xưởng sản xuất.
* Thực hiện nhanh để đón sóng đầu tư
Hiện nay, Đồng Nai là nơi được rất nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chú ý và muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của tỉnh là nhiều KCN đã lấp đầy 100%, diện tích còn lại cho thuê chỉ còn rất nhỏ. Do đó, khi các tập đoàn lớn đến Đồng Nai muốn thuê diện tích 5-10 ha trở lên rất khó tìm được. Vì vậy, tỉnh đã bỏ mất nhiều cơ hội thu hút được những dự án lớn có công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng từng nhấn mạnh: “Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai tập trung vào phát triển công nghiệp nên tỉnh đang gấp rút chuẩn bị sẵn các điều kiện cần và đủ để đón sóng đầu tư. Việc quan trọng hàng đầu là trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, cập nhật đầy đủ các KCN để triển khai các bước tiếp theo”.
Với 3 KCN trên, tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để sớm thành lập, chọn nhà đầu tư thi công hạ tầng và cho các DN thứ cấp thuê đất sản xuất.
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã khởi công, tới đây sẽ có nhiều DN Hàn Quốc đến tỉnh đầu tư hơn. Vừa qua, có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã nhờ hiệp hội tìm hiểu các thông tin về đất đai, môi trường đầu tư của Đồng Nai với dự tính sẽ đầu tư các dự án lớn từ vài chục đến cả trăm triệu USD. Muốn đón được những dự án có vốn lớn, tỉnh phải có sẵn quỹ đất công nghiệp với diện tích rộng để DN thuê”.
Các KCN mới được Thủ tướng phê duyệt đều đã được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 10 năm tới, hiện đang chờ thẩm định và phê duyệt. Nhiều địa phương trong tỉnh đều muốn có thêm các KCN để thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn để có thu nhập ổn định, không phải đi xa. Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển cũng sẽ thúc đẩy những lĩnh vực khác trên địa bàn như: thương mại dịch vụ, du lịch... phát triển theo. Điều này sẽ giúp cho các huyện, thành phố nâng cao thu nhập bình quân đầu người, tăng thu ngân sách nhà nước.
Hương Giang
- CẢNG BIỂN ĐỒNG NAI ĐƯỢC XẾP LOẠI 1 (10/07/2022)
- DỰ ÁN MỞ RỘNG ĐƯỜNG CAO TỐC TP.HCM - LONG THÀNH - DẦU GIÂY (10/10/2021)
- ĐỒNG NAI SẴN SÀN CHO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (05/09/2021)
- ĐỒNG NAI NỖ LỰC CÁC GIẢI PHÁP GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG (13/08/2021)
- PHÊ DUYỆT QH 1/5000 PHÂN KHU A4 - HIỆP HÒA? (01/08/2021)
- HOÀN THÀNH 04 TUYẾN ĐƯỜNG KHU TÁI ĐỊNH CƯ LỘC AN - BÌNH SƠN (11/01/2021)
- ĐỊNH QUÁN - TÂN PHÚ SẼ PHÁT TRIỂN MẠNH NẾU QUỐC LỘ 20 MỞ RỘNG (09/01/2021)
- DỰ ÁN NÀO "KÍCH THÍCH" CHO THỊ TRƯỜNG BĐS ĐỒNG NAI NÓNG TRỞ LẠI? (07/01/2021)
- "BỆ PHÓNG" TRONG SỰ HÙNG CƯỜNG CỦA VIỆT NAM SO VỚI KHU VỰC (06/01/2021)
- SỐ TIỀN MÀ SÂN BAY LONG THÀNH ĐÓNG GÓP CHO GDP LÀ BAO NHIÊU? (06/01/2021)