Năm 2021 được xem là năm “bản lề” đánh dấu cho giai đoạn phát triển bứt phá của Đồng Nai với hàng loạt dự án động lực hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác cuối năm 2025
Với vị trí nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đã được Trung ương triển khai đầu tư trên địa bàn những năm qua.
* Động lực phát triển từ những dự án “nền tảng”
Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2018. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sân bay Long Thành rộng 5 ngàn ha được quy hoạch theo mô hình thành phố sân bay (Airport City) bao gồm sân bay (nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ) và các dịch vụ hỗ trợ như: hậu cần, văn phòng, bán lẻ và khách sạn, công nghiệp, logistics...
Với quy hoạch là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành là dự án đầu tư xây dựng có tổng vốn đầu tư lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Do đó, ngoài vai trò kết nối giao thông, sân bay Long Thành còn là “cực” tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia), khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.
Cùng với sân bay Long Thành, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng là một dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đây là dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG cho rằng, khi có sân bay và cảng biển sẽ tạo lợi thế rất lớn cho Đồng Nai thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km, trong đó đi qua địa bàn Đồng Nai 51,5km. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại nhất Việt Nam. Dự án có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.
Đặc biệt, khi hoàn thành xây dựng, dự án sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tải áp lực giao thông đối với tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ngoài 2 dự án trọng điểm quốc gia nói trên, hàng loạt dự án hạ tầng của trung ương cũng như của tỉnh cũng đang được đầu tư xây dựng như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3, cảng Phước An. Đây đều là những dự án mang tính động lực, khi hoàn thành xây dựng sẽ lan tỏa, tạo thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội đối với Đồng Nai.
“Những năm qua, với hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai được xem như một “đại công trường” của cả nước. Những dự án này khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để Đồng Nai phát triển”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Sẵn sàng để đón thời cơ
Theo dự kiến, các dự án hạ tầng lớn sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2025 gồm có: Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025; Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào năm 2022; Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào năm 2023; Đường vành đai 3 “khép kín” vào cuối năm 2025.
Những dự án hạ tầng lớn đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đều được dự kiến hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2021-2025. Chính vì vậy, 5 năm tới được xem là “giai đoạn vàng” để Đồng Nai bứt phá phát triển.
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, đơn vị cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 theo đúng quy định pháp luật. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, đảm bảo chất lượng công trình. Đặc biệt, ACV cam kết đảm bảo tiến độ dự án, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt.
“Hoàn thành và đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác trong năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước” - ông Lại Xuân Thanh khẳng định.
Tương tự, với quỹ thời gian thi công dự kiến trong vòng 2 năm, vào cuối năm 2022, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng sẽ chính thức được đưa vào khai thác.
Đối với các dự án khác, mốc thời gian dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cũng được “gút” đến cuối năm 2025. Như vậy, với hàng loạt dự án động lực được hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, động lực phát triển của Đồng Nai trong những năm tới là vô cùng lớn.
Trong bối cảnh đó, một nhiệm vụ quan trọng của Đồng Nai là hiện thực hóa, lan tỏa động lực phát triển từ các dự án này từ tiềm năng trở thành lợi thế phát triển. Điều này đang được Đồng Nai khẩn trương thực hiện để đón đúng nhịp phát triển chung.
Để phát huy tối đa lợi thế từ các dự án hạ tầng trọng điểm, công tác quy hoạch đóng vai trò chiến lược. Bởi, chỉ khi có quy hoạch đúng, sát với thực tế, những tiềm năng, lợi thế phát triển mới có thể được khơi thông.
Thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: PHẠM TÙNG
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế và hoạch định không gian phát triển hợp lý, hiệu quả, kết nối với sự phát triển vùng và quốc gia.
Riêng với dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai xác định đây chính là động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả trong giai đoạn xây dựng và khi đưa vào khai thác. “Quá trình xây dựng sân bay Long Thành thì một khối lượng vốn lớn lên đến hàng tỷ USD cũng đã đổ dồn về cho Đồng Nai. Khi đi vào khai thác, sân bay Long Thành cũng sẽ thúc đẩy giá trị lĩnh vực thương mại, dịch vụ lên hẳn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, những tác động của sân bay Long Thành sau khi đi vào khai thác đến quá trình phát triển các vùng huyện của Đồng Nai mới chính là giá trị lớn nhất và cần được khai thác tốt. “Tỉnh đã đi học tập kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế, cụ thể là sân bay Incheon (Hàn Quốc). Hiện Đồng Nai đang quy hoạch vùng H.Long Thành trở thành thành phố sân bay để tính toán tất cả những lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.
Cùng với công tác quy hoạch, việc tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các dự án hạ tầng động lực cũng đã được Đồng Nai xác định là nhiệm vụ chiến lược đột phá phát triển. Trong dự kiến cơ cấu phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai tiếp tục dồn nguồn lực lớn cho các dự án giao thông. Qua đó, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, liên vùng để đón đầu cơ hội phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc được xác định là trọng tâm để thực hiện kết nối mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phạm Tùng
- ĐỒNG NAI NỖ LỰC CÁC GIẢI PHÁP GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG (13/08/2021)
- PHÊ DUYỆT QH 1/5000 PHÂN KHU A4 - HIỆP HÒA? (01/08/2021)
- CAO TỐC PHAN THIẾT - DẦU GIẤY VẪN ĐỀU ĐỀU TRẢI RỘNG! (16/07/2021)
- DUYỆT DỰ ÁN KDC 50 HA TẠI ĐỒNG NAI (14/07/2021)
- LONG THÀNH VẪN TÍCH CỰC THIẾT LẬP KHU TÁI ĐỊNH CƯ TRONG MÙA DỊCH (14/07/2021)