Với 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh, thành tập trung nhiều KCN của Việt Nam. Một trong những hướng đi quan trọng sắp tới của tỉnh là nỗ lực xây dựng những KCN sinh thái và tiến đến hình thành mô hình các KCN xanh. Đây cũng là mô hình các nước có công nghiệp phát triển trên thế giới đang ứng dụng.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) dự tính sẽ được xây dựng thành khu công nghiệp sinh thái điển hình của Việt Nam. Ảnh: H.Giang
Gần 30 năm trước, một số quốc gia trên thế giới đã ứng dụng mô hình KCN sinh thái bền vững. Đến nay, thế giới đã có hàng chục KCN sinh thái ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả, chủ yếu tập trung tại Hoa Kỳ, châu Âu. Đến đầu thế kỷ XXI, KCN sinh thái bắt đầu xuất hiện ở châu Á tại các nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan...
* Đi đầu trong phát triển công nghiệp
Theo Bộ KH-ĐT, đến năm 2020, cả nước có 330 KCN, khu chế xuất được thành lập. Trong đó có 250 khu hoạt động với tổng diện tích 66 ngàn ha, tỷ lệ lấp đầy là 73%. Đồng Nai đứng đầu cả nước trong phát triển KCN với 32 KCN được thành lập và 31 KCN đã hoàn thành hạ tầng đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 82%. Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã chú trọng đến việc phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường. Các KCN trên địa bàn đi vào hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối trực tiếp với Sở TN-MT để quản lý, giám sát chất lượng nước thải thường xuyên.
Bên cạnh đó, hạ tầng khác của các KCN trong tỉnh cũng được đầu tư xây dựng bài bản. Nhiều KCN ở Đồng Nai được đánh giá cao về chất lượng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường như: Amata, Loteco, Biên Hòa 2, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3...
Từ nhiều năm trước, Đồng Nai thực hiện song song hai mục tiêu phát triển các KCN đi đôi với bảo vệ môi trường. Mới đây, khi vào làm việc với Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ
TN-MT Võ Tuấn Nhân nhận xét: “Đồng Nai là nơi có nhiều KCN được đầu tư khá bài bản về hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có nhiều KCN đã được lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động để giám sát và kịp thời xử lý các sự cố liên quan đến môi trường. Các KCN của Đồng Nai đang xây dựng theo hướng KCN xanh phù hợp với yêu cầu của Chính phủ đang đặt ra”.
Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, phát triển KCN sinh thái sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng KCN xanh. Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Các KCN của Đồng Nai đang đầu tư phát triển theo hướng bền vững, để từng bước hình thành KCN xanh. Hiện Đồng Nai đang xây dựng thí điểm KCN Amata thành KCN sinh thái. Mô hình này thành công sẽ là điển hình về KCN sinh thái ở Việt Nam và sẽ được nhân rộng ra cả nước”.
* Xây dựng KCN sinh thái
Gần 3 năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về KCN sinh thái tại Việt Nam. Theo đó, các tỉnh, thành muốn xây dựng KCN sinh thái phải đảm bảo những tiêu chuẩn gồm: các DN trong KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các DN; hạ tầng kết cấu đầy đủ dịch vụ cơ bản; có diện tích đất cho công trình cây xanh (dành tối thiểu 25% diện tích đất KCN cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung); xây dựng công trình xã hội cho người lao động.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) có các tiêu chuẩn là khu công nghiệp sinh thái
Trong hơn 3 thập niên qua, Việt Nam tập trung cho phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước, hàng loạt các KCN, khu chế xuất, cụm công nghiệp được thành lập, đi vào hoạt động. Tuy các tỉnh, thành có chú ý đến phát triển công nghiệp bền vững, giảm thiểu ô nhiễm, song nguy cơ gây ô nhiễm ở nhiều KCN vẫn còn cao. Dù vẫn còn xảy ra một số sự cố về môi trường, nhưng Đồng Nai được Bộ TN-MT đánh giá là đi đầu cả nước trong việc bảo vệ môi trường trong các KCN.
Theo bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam, DN đầu tư hạ tầng KCN Amata (TP.Biên Hòa), KCN Amata được đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật. Các DN trong KCN ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm. Trong đó, có nhiều DN đã xử lý tái sử dụng nước thải để không xả ra môi trường. KCN Amata được Trung ương đánh giá là KCN điển hình của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vận hành. Đồng thời, thực hiện thành công cùng lúc hai nhiệm vụ là phát triển công nghiệp đem lại doanh thu cao và bảo vệ môi trường tốt.
Những địa phương trong tỉnh có công nghiệp phát triển như: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Biên Hòa cũng mong muốn xây dựng các KCN sinh thái để hình thành KCN xanh đảm bảo phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, nhưng môi trường sống cũng được cải thiện tốt hơn.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết, trên địa bàn huyện có 9 KCN với diện tích 3.342ha thu hút gần 500 dự án đầu tư trong nước, nước ngoài. Huyện phối hợp với tỉnh, các đơn vị từng bước cải thiện các KCN trên để hình thành KCN xanh, góp phần phát triển công nghiệp bền vững, trong tương lai là thành phố mới Nhơn Trạch có công nghiệp sạch và đô thị hiện đại.
Hương Giang
- CẢNG BIỂN ĐỒNG NAI ĐƯỢC XẾP LOẠI 1 (10/07/2022)
- DỰ ÁN MỞ RỘNG ĐƯỜNG CAO TỐC TP.HCM - LONG THÀNH - DẦU GIÂY (10/10/2021)
- ĐỒNG NAI SẴN SÀN CHO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (05/09/2021)
- ĐỒNG NAI NỖ LỰC CÁC GIẢI PHÁP GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG (13/08/2021)
- PHÊ DUYỆT QH 1/5000 PHÂN KHU A4 - HIỆP HÒA? (01/08/2021)