Hỗ trợ đăng tin chính chủ tại đồng nai
Hướng Dẫn Đăng Tin Chính Chủ Hiệu Quả Nhất l Liên Hệ Hotline - 0907.888.247 ​
TĂNG KẾT NỐI, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN
Cập nhật: 10:17 02/01/2021

Với các dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai xây dựng, những năm tới, tính kết nối giao thông giữa Đồng Nai với các địa phương, nhất là các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được gia tăng. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục kết nối giao thông quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh:P. Tùng

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục kết nối giao thông quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh:P. Tùng

* “Hạt nhân” kết nối giao thông

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 5 tuyến đường cao tốc đi qua. Đây là những trục giao thông chiến lược mang tính kết nối giữa các địa phương cũng như kết nối vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khi tất cả 5 tuyến đường cao tốc theo quy hoạch gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Phan Thiết - Dầu Giây; Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây- Liên Khương được xây dựng hoàn thành, Đồng Nai sẽ có hơn 200km đường cao tốc đi qua địa bàn.

Hiện nay, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là đường cao tốc duy nhất đi qua địa bàn tỉnh đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác. Từ năm 2015 đến nay, sau khi thông tuyến và đưa vào sử dụng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối giữa Đồng Nai với trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước là TP.HCM. Cũng chính vì vậy, chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đã rơi vào tình trạng quá tải.

Với nhiều ưu thế, đường cao tốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối về giao thông, thúc đẩy phát triển của mỗi địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước. Thời gian qua, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực "đánh thức" tiềm năng của nhiều vùng, miền. “Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế ở đó phát triển, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này” - Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với Đồng Nai, địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, những năm qua từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên để xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GT-VT triển khai nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với quy mô lớn, mang tính đột phá qua địa bàn như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và mới đây nhất là đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

* Sớm hiện thực hóa quy hoạch

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương là 2 tuyến cao tốc được quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh hiện nay chưa được triển khai thực hiện.

 

Công nhân thi công dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc

Công nhân thi công dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện Bộ GT-VT đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm triển khai. “Chúng ta phải nỗ lực để khởi công dự án vào cuối quý IV-2021” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Trong khi đó, dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hiện cũng đang được Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dự án Xây dựng 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương là 2 dự án mà tỉnh mong muốn các cơ quan chức năng của Trung ương triển khai thực hiện sớm để tạo điều kiện cho Đồng Nai tăng tốc phát triển. “Quốc lộ 51 hiện đã quá tải nên phải xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sớm” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tương tự, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi được triển khai xây dựng sẽ tạo ra trục kết nối đồng bộ giữa Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên. Đồng thời, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng tạo điều kiện cho 2 huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển.

Quan trọng hơn, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường cao tốc đang xây dựng, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và triển khai đầu tư sớm các dự án đường cao tốc trong quy hoạch là điều kiện cấp thiết để khai thác tối đa hiệu quả của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trong tương lai. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án Xây dựng sân bay Long Thành sẽ được khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. Với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, việc kết nối giao thông, trong đó có các tuyến đường cao tốc với sân bay Long Thành là yêu cầu rất cấp bách để khai thác có hiệu quả “siêu sân bay” Long Thành. “Nhiệm vụ của địa phương là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc. Thời gian qua, tỉnh đã rất tập trung cho nhiệm vụ này mà rõ ràng nhất là Đồng Nai đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác này” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Phạm Tùng

 

 

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng