Hỗ trợ đăng tin chính chủ tại đồng nai
Hướng Dẫn Đăng Tin Chính Chủ Hiệu Quả Nhất l Liên Hệ Hotline - 0907.888.247 ​
NHIỀU CỤM CÔNG NGHIỆP MỚI TẠI ĐỒNG NAI!
Cập nhật: 07:28 08/04/2021

Trong những năm tới, công nghiệp là lĩnh vực tỉnh ưu tiên hàng đầu để phát triển. Ngoài việc mở rộng và thêm mới các khu công nghiệp, tỉnh dự tính sẽ mở thêm nhiều cụm công nghiệp (CCN) để đáp ứng nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, các cơ sở làng nghề.

Cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) là một trong 4 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng

Cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) là một trong 4 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng. Ảnh: K.MINH

Qua rà soát quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố đã đề nghị bổ sung khoảng 12 CCN với diện tích hơn 651ha. Đồng thời, các địa phương cũng đề xuất hủy quy hoạch 3 CCN không còn phù hợp có diện tích 132ha.

* Sẽ có 36 CCN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch khoảng 27 CCN ở các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, có tổng diện tích khoảng 1,6 ngàn ha. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ có 36 CCN, diện tích hơn 2.051ha (xóa quy hoạch 3 CCN và bổ sung 12 CCN). Mục tiêu mở thêm các CCN của tỉnh là nhằm di dời các DN nhỏ, các cơ sở làng nghề vào để phù hợp quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những địa phương có quy hoạch nhiều CCN là Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Định Quán...

Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết: “Huyện đề xuất tỉnh cho quy hoạch phát triển CCN Phú Bình để thu hút các DN trên lĩnh vực chế biến nông sản, cơ sở làng nghề vào hoạt động. Dự tính trong những năm tới, H.Tân Phú sẽ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhưng chọn những ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường”. Các CCN thu hút các DN thực hiện dự án đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương và những địa bàn lân cận. Công nghiệp phát triển sẽ kéo theo thương mại, dịch vụ mở rộng, thúc đẩy kinh tế địa phương có những bước tăng trưởng khá, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước.

Đồng Nai là nơi có khá nhiều nghề truyền thống đang sản xuất trong các khu dân cư như: mộc mỹ nghệ, gốm, mây tre đan, sơ chế trầm, chế biến nông sản... Đến nay, mới có làng nghề gốm và một số cơ sở gỗ mỹ nghệ di dời vào CCN. Vào các CCN, các cơ sở nghề truyền thống có diện tích lớn làm nhà xưởng sản xuất, phòng trưng bày, quy mô lớn hơn, đảm bảo về môi trường, phòng chống cháy nổ, đáp ứng các đơn hàng lớn trong nước và xuất khẩu.

Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú cho hay: “Huyện có CCN Phú Cường phát triển khá tốt, hiện đã lấp đầy và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Trong giai đoạn tới, huyện quy hoạch xây dựng thêm một số CCN nữa để thu hút các DN nhỏ và vừa, cơ sở nghề vào để sản xuất nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn”.

* Đầu tư hạ tầng vẫn còn chậm

Những năm qua, việc thu hút các DN đầu tư vào hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Vì thế đến nay, Đồng Nai mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật là: CCN Gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), CCN Phú Cường (H.Định Quán), CCN Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Còn lại các CCN đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở dĩ các nhà đầu tư chưa mặn mà với việc làm hạ tầng các CCN là vì diện tích nhỏ chỉ từ 30-75ha. Trong các khu vực quy hoạch CCN đã có một số nhà máy sản xuất hiện hữu, khi hoàn tất hạ tầng chủ đầu tư còn lại diện tích đất cho thuê rất ít, lợi nhuận thấp. Đặc biệt 3 năm trở lại đây, giá đất tại Đồng Nai tăng cao, tiền bồi thường bị đẩy lên cao khiến chi phí đầu tư cũng tăng lên.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương chia sẻ: “Giá đất tăng cao dẫn đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hồi đất triển khai CCN Hưng Lộc gặp trở ngại. DN đầu tư tính toán lại bổ sung nguồn vốn đầu tư, việc này làm cho việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN bị chậm lại”.

Đất quy hoạch các CCN của Đồng Nai đa số của các hộ gia đình, cá nhân, muốn thực hiện được dự án buộc phải thu hồi, tái định cư. Lâu nay, tại Đồng Nai những dự án phải thu hồi đất của người dân ít triển khai nhanh được, có khi kéo dài 4-6 năm mới hoàn thành.

Đồng Nai đã có chính sách hỗ trợ các DN xây dựng hạ tầng CCN từ 15-20 tỷ đồng/CCN và những DN ở trong khu dân cư di dời vào CCN cũng được hỗ trợ bằng cách miễm giảm tiền thuê đất đến 5 năm...

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn 2021-2025, công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Tỉnh dành nhiều đất phát triển các khu công nghiệp, CCN ở các huyện, thành phố để thu hút những DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào sản xuất. Tỉnh hỗ trợ một số địa phương hoàn tất hạ tầng CCN chế biến sâu kết nối với các vùng chuyên canh cây trồng tạo thành chuỗi, tăng giá trị cho nông sản”.

Khánh Minh

 

 

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng