Cách đây 30 năm, H.Tân Phú chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định 107/HĐBT ngày 10-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chia H.Tân Phú thành 2 huyện Tân Phú và Định Quán.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (bìa trái) tham quan triển lãm tại Đại hội Đảng bộ H.Tân Phú nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Nam Anh
30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân H.Tân Phú đã nỗ lực vượt nhiều khó khăn, vươn lên xây dựng Tân Phú trở thành huyện nông thôn mới với nhiều điểm nhấn đáng tự hào. Thành quả phát triển mọi mặt trong 30 năm qua thực sự là hành trang vững chắc để H.Tân Phú tiếp tục vươn lên thực hiện các mục tiêu đột phá, nỗ lực xây dựng huyện từng bước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
* Những ngày đầu gian khó
Nguyên Phó bí thư thường trực Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND H.Tân Phú Lê Đình Thảo nhận định, H.Tân Phú ngày nay khác rất xa so với 30 năm trước. Đầu những năm 1990, đường sá đi lại ở nhiều địa phương trong huyện nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất thì nay đều là đường nhựa, bê tông. Hệ thống điện lưới quốc gia được kéo đến tận các khu vực vùng sâu, vùng xa. “Từ một nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp, đến nay huyện đã chuyển sang nền nông nghiệp mang yếu tố sản xuất hàng hóa. Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khai thác tiềm năng du lịch… Các chính sách về văn hóa, giáo dục, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt. Qua đó, tạo bước tiến mới trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các cộng đồng dân cư trên địa bàn” - ông Lê Đình Thảo nhấn mạnh.
Nguyên Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tân Phú Phan Sương khẳng định: “Những thành quả sau 30 năm thành lập huyện đã cho thấy truyền thống đoàn kết, vượt khó của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong việc nỗ lực vươn lên xây dựng H.Tân Phú trở thành huyện nông thôn mới”.
Nhiệm kỳ 2015-2020, H.Tân Phú xây dựng thành công huyện nông thôn mới với 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có xã Phú Điền đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã Phú Lâm và Phú Thịnh đã hoàn thành các tiêu chí nâng cao đang chờ thẩm định. Đây là cơ sở để H.Tân Phú phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ở 100% xã, trong đó có 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Trong khi đó, ông Võ Văn Y (ngụ ấp 3, xã Phú Lộc) bày tỏ: “Nhiều năm sinh sống ở vùng đất này, tôi đã chứng kiến được sự đổi thay của bộ mặt quê hương và từ chính cuộc sống của gia đình mình. Tôi cho rằng, sự thay đổi của huyện được thể hiện rõ nét nhất ngay ở sự thay đổi trong cuộc sống của người dân, trong đó có gia đình tôi”.
Ông Y kể, cuộc sống gia đình ông trước đây hết sức khó khăn, trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả thấp kém. Nhờ được địa phương định hướng về thay đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật, nhiều năm qua, kinh tế gia đình ông vững vàng bởi thu nhập khá từ 4 mẫu đất trồng bưởi. Các con được học hành đàng hoàng, có công việc ổn định. Từ nghèo khó, ông Y nhiều lần được vinh danh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh nên cảm thấy rất phấn khởi, tin tưởng vào các chính sách của huyện nhà. Ông Y cho rằng, bộ mặt huyện cũng thay đổi thấy rõ, nhất là đường sá, giao thông, có thêm các khu công nghiệp tạo thêm nhiều việc làm cho người dân…
* Vững bước đi lên
Theo Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành, sau 30 năm thành lập huyện, từ một huyện thuần nông, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, đến nay huyện đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ; lĩnh vực nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người tăng và đạt 65 triệu đồng/người/năm.
“Công nghiệp dịch vụ có bước phát triển khá nhanh; huyện đã hình thành khu công nghiệp tập trung với diện tích 50ha giai đoạn 1, hiện đã thu hút 5 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, giải quyết việc làm trên 8 ngàn lao động. Các ngành dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhất là dịch vụ du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến huyện tăng cao qua các năm, bình quân khoảng 500 ngàn người mỗi năm” - ông Nguyễn Trung Thành cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Thành, quá trình xây dựng và phát triển, huyện đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình thực hiện cải cách hành chính; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển. Qua đó, đã thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư, triển khai, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy an sinh xã hội, tạo diện mạo mới cho sự phát triển trên địa bàn.
Theo bà Nguyễn Thị Nhanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện, thành quả xây dựng và phát triển của huyện trong 30 năm qua được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Chỉ riêng các chỉ tiêu như: giao thông tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chỉnh trang, đi lại thuận lợi; 135 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá, giỏi (có 70 hộ thu nhập từ 50-150 triệu đồng/năm). 100% trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học vào THCS… đã minh chứng cho sự đổi mới tích cực này” - bà Nguyễn Thị Nhanh nhấn mạnh.
Tà Lài một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh trước đây, nay trở thành một địa phương nông thôn mới với những thay đổi đột phá. Trong đó, người dân Tà Lài luôn tin theo Đảng, Nhà nước, tìm và thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế phù hợp, đặc biệt cây bưởi da xanh trở thành sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt chuẩn 3 sao trên địa bàn.
Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài chia sẻ, nhờ chủ trương đúng, nhất là việc triển khai thực hiện chương trình OCOP tại địa phương nên chỉ 3 năm trở lại đây, Tà Lài đã có sự chuyển mình vượt bậc. “Riêng HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài đã có trên 100 xã viên canh tác hơn 150 ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị tại TP.Biên Hòa, TP.HCM và nhiều chợ đầu mối, tạo thu nhập ổn định cho xã viên, giúp họ làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình” - ông Trường khẳng định.
Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho biết, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiều giải pháp để xây dựng Tân Phú thành huyện nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ. Trong đó, xác định tập trung các khâu đột phá gồm: phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị, tổ chức.
N.Hà - H.Thảo
- CẢNG BIỂN ĐỒNG NAI ĐƯỢC XẾP LOẠI 1 (10/07/2022)
- DỰ ÁN MỞ RỘNG ĐƯỜNG CAO TỐC TP.HCM - LONG THÀNH - DẦU GIÂY (10/10/2021)
- ĐỒNG NAI SẴN SÀN CHO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (05/09/2021)
- ĐỒNG NAI NỖ LỰC CÁC GIẢI PHÁP GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG (13/08/2021)
- PHÊ DUYỆT QH 1/5000 PHÂN KHU A4 - HIỆP HÒA? (01/08/2021)
- KHỞI CÔNG CẦU THỐNG NHẤT QUÝ 4/2021 (29/06/2021)
- NGÀY KHỞI CÔNG DỰ ÁN BỜ KÈ VEN SÔNG ĐỒNG NAI? (26/06/2021)
- ĐỒNG NAI CẦN QUY HOẠCH ĐÚNG ĐỂ NÂNG CAO GIÁ TRỊ ĐẤT (25/06/2021)
- NHƠN TRẠCH "MỞ CỬA" HÌNH THÀNH TRUNG TÂM CẢNG LỚN NHẤT ĐỒNG NAI (24/06/2021)
- MỞ RỘNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG HẸP TẠI LỘC AN-BÌNH SƠN (21/06/2021)