Để đảm bảo tiến độ chung và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, khoảng 1 ngàn trường hợp đất cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng bằng 'giấy tay' trong khu vực dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành sẽ được phân loại để xử lý.
Khu vực thực hiện dự án Sân bay Long Thành hiện có khoảng 1 ngàn trường hợp cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng bằng “giấy tay”. Ảnh: H.GIANG
* Khoảng 1 ngàn trường hợp đất “giấy tay”
Để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai sẽ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích đất khoảng 5 ngàn ha.
Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, địa phương vẫn đang thực hiện rốt ráo công tác giải phóng mặt bằng phục cho việc triển khai dự án Xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi triển khai công tác thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân chính là các trường hợp cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng đất bằng “giấy tay”.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành, đối với các trường hợp đất cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng bằng “giấy tay”, hiện nay đơn vị đã thực hiện thống kê các thông tin gồm: số tờ, số thửa đất; đối tượng có quyền sử dụng đất; đối tượng được nhận cho tặng, chuyển nhượng; loại đất, có nhà hay không có nhà, đã xây dựng nhà năm nào; quan hệ của người cho tặng với người được nhận cho tặng.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành hiện nay, trong khu vực dự án Sân bay Long Thành có khoảng 1 ngàn trường hợp đất “giấy tay”. Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành đã thực hiện phân loại đối với các trường hợp đất cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng bằng “giấy tay”. Cụ thể, đối với đất “giấy tay” hiện có 2 dạng chính là tách trọn thửa đất và “giấy tay” cắt thửa. Trong khoảng 1 ngàn trường hợp đất “giấy tay”, có khoảng 80% là các trường hợp được cho, tặng. Sau khi thực hiện phân loại, đơn vị đã báo cáo để xin ý kiến các sở, ngành trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp này.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho rằng, việc xử lý để thực hiện các chính sách đối với các trường hợp đất “giấy tay” hiện là vướng mắc lớn nhất đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. “Giấy tay” nói nôm na là hai bên tự ký với nhau mà không có xác nhận nào của cơ quan chức năng nên việc giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ rất khó khăn, đặc biệt là liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và xét tái định cư” - ông Nguyễn Hồng Quế cho biết.
Thực tế, Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi Bộ TN-MT để xin hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đất “giấy tay” thuộc dự án Sân bay Long Thành. Theo hướng dẫn của Bộ TN-MT, việc thực hiện các chính sách liên quan đều được căn cứ trên cơ sở là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, việc giải quyết các chính sách đối với đất “giấy tay” hiện vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.
Ông Nguyễn Hồng Quế cho rằng, đối với đất “giấy tay” mà phát sinh chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là cực kỳ phức tạp. “Như trường hợp người dân có đất nhưng không sản xuất nông nghiệp nên không được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (bằng 2 lần giá đền bù đất), rồi viết “giấy tay” chuyển nhượng cho một người khác thuộc diện được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề thì rất nguy hiểm”- ông Nguyễn Hồng Quế nêu ví dụ.
Ngoài ra, nếu thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ cho những trường hợp chuyển nhượng đất bằng “giấy tay” cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. Bởi, lúc đó, các cơ quan chức năng bắt buộc phải thực hiện lại các công tác đo đạc, kiểm đếm để xử lý.
* Không có “mẫu số chung” để xử lý
Hiện nay, đối với sự đa dạng của các trường hợp đất “giấy tay” thuộc dự án Sân bay Long Thành, các cơ quan chức năng cho rằng không thể có một “mẫu số chung” để xử lý mà chỉ có thể phân loại để xử lý. “Các trường hợp đất “giấy tay” phải phân loại ra từng trường hợp cụ thể để xử lý. Khi xử lý phải kết hợp giữa thực tế và các quy định của pháp luật để thực hiện”- ông Nguyễn Hồng Quế cho biết.
Đơn cử trường hợp đất “giấy tay” thuộc diện cha mẹ cho con, ông Nguyễn Hồng Quế lấy dẫn chứng, năm 2014, người cha cho người con mảnh đất theo dạng “giấy tay” vì lúc này dự án đã quy hoạch không thể thực hiện việc tách thửa, sang tên. Để xử lý, phải căn cứ vào thời điểm người cha cho tặng đất. “Thời điểm đó người con mới 15 tuổi thì việc cho tặng đất là không hợp lý. Tuy nhiên, nếu thời điểm đó người con đã đủ tuổi, đã lập gia đình thì việc cho tặng là hợp lý. Do đó phải phân loại, kết hợp giữa thực tế và các quy định pháp luật mới xử lý được” - ông Nguyễn Hồng Quế nói.
Đồng thuận với hướng giải quyết này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, UBND H.Long Thành cần phân loại hồ sơ đối với các trường hợp đất “giấy tay” để xử lý. Những trường hợp dễ, đơn giản thì xử lý sớm, những trường hợp phức tạp cần tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để hướng dẫn xử lý. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh sẽ có văn bản xin ý kiến các bộ, ban ngành hướng dẫn xử lý. “Cần thực hiện phân loại để xử lý. Không thể “bó tay” với “giấy tay”, cũng không thể để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Phạm Tùng
- CẢNG BIỂN ĐỒNG NAI ĐƯỢC XẾP LOẠI 1 (10/07/2022)
- DỰ ÁN MỞ RỘNG ĐƯỜNG CAO TỐC TP.HCM - LONG THÀNH - DẦU GIÂY (10/10/2021)
- ĐỒNG NAI SẴN SÀN CHO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (05/09/2021)
- ĐỒNG NAI NỖ LỰC CÁC GIẢI PHÁP GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG (13/08/2021)
- PHÊ DUYỆT QH 1/5000 PHÂN KHU A4 - HIỆP HÒA? (01/08/2021)